Ca sĩ, giảng viên thanh nhạc O Sen Ngọc Mai đã yêu những bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy ngay từ những ngày đầu cô chạm ngõ âm nhạc - Ảnh: T.T.D.
Trà chiều cùng Phạm Duy do Hội những người yêu nhạc Phạm Duy tổ chức, Nguyễn Thái Huân đạo diễn và Minh Đức đảm nhận MC. Trước khi chương trình diễn ra, họ đã cùng đến viếng mộ cố nhạc sĩ Phạm Duy tại công viên nghĩa trang Bình Dương.
Đây là sự kiện có ý nghĩa tưởng niệm 10 năm ngày mất (27-1-2013) và 101 năm ngày sinh của cố nhạc sĩ tài hoa (5-10-1921), diễn ra chiều 10-1 tại phòng trà Bến Thành (TP.HCM). Tham gia chương trình có NSND Kim Cương, O Sen Ngọc Mai, Hồng Vân, Lan Hạnh, Thu Vàng, Tấn Sơn, Bá Thông, Kim Dung, Quốc Ân...
Nhạc sĩ Duy Hùng - con trai của nhạc sĩ Phạm Duy - cũng có mặt và biểu diễn tại chương trình - Ảnh: T.T.D.
Tái hiện loạt nhạc phẩm Phạm Duy
Ca sĩ Tấn Sơn sáng tác 4 câu thơ để kính tặng một trong những tượng đài của tân nhạc Việt Nam: "Nghìn trùng xa cách nhau chăng/ Tình hoài hương mãi băn khoăn người về/ Đường chiều lá rụng câu thề/ Hẹn hò bên chén trà quê, nhớ người".
Mở đầu buổi biểu diễn là những thước phim ghi nhận chia sẻ của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, TS Thái Kim Lan, NSND Kim Cương, Hồng Vân về cuộc đời và âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy.
Hồng Vân hát ba ca khúc Nụ tầm xuân, Nương chiều và Tình nghèo - Ảnh: T.T.D.
Sau tiết mục mở màn Hẹn hò qua tiếng hát của Lệ Hồng, cả khán phòng cùng nhau dành ít giây phút tưởng niệm cố nhạc sĩ.
Chương trình được chia thành ba phần chính theo những chủ đề nổi bật trong âm nhạc Phạm Duy: chất dân ca, chất mới, tính đại chúng - tính tư tưởng.
Trong gia tài âm nhạc, ngoài phổ thơ, Phạm Duy còn phổ cả ca dao. Theo lời chia sẻ của MC Minh Đức, nhạc sĩ thường gọi đó là "dân ca mới". Nhạc sĩ Phạm Duy vẫn dùng âm giai ngũ cung nhưng bằng sự tài hoa của mình, ông đã làm cho giai điệu trở nên phong phú, hấp dẫn hơn.
Ca sĩ Tấn Sơn hát Tình cầm, Bên cầu biên giới, Đưa em tìm động hoa vàng
Chương 1 mang đến những nhạc phẩm như Vợ chồng quê, Đi đâu cho thiếp theo cùng, Nụ tầm xuân, Nương chiều, Tình nghèo, Làm sao mà quên được, Bé bắt dế…
Nói về chất dân ca trong âm nhạc Phạm Duy, Hồng Vân chia sẻ:
"Tôi chơi với những người con của bác nên tôi vẫn gọi bác là bố. Những bài hát của bác bát ngát một trời quê. Chất dân ca trong những bài hát của bác đã in sâu vào ký ức của tôi không bao giờ phai mờ. Tới bây giờ, hơn 50 năm biểu diễn, tôi vẫn còn rất yêu những nhạc phẩm ấy".
Phạm Duy được xem là một trong số ít nhạc sĩ Việt Nam rất giỏi sáng tác nhạc bán cổ điển cũng như việc phổ nhạc vào thơ hay đặt lời cho ca khúc nước ngoài.
Chương 2 tiếp nối với những sáng tác của ông về tình yêu đôi lứa qua những cung bậc từ hạnh phúc tới khổ đau.
Điểm nhấn của phần này là những nhạc phẩm phổ thơ của Bích Khê (1916 - 1946) - thi sĩ từng được Hoài Thanh - Hoài Chân nhận định trong Thi nhân Việt Nam là "thơ dị kỳ".
Người nhạc sĩ tài hoa ở tuổi 90 đã phổ nhạc 10 bài thơ của Bích Khê và gọi là Dị khúc. Chương 2 của Trà chiều cùng Phạm Duy đã tái hiện hai trong số đó, là Tỳ bà và Thi vị qua tiếng hát của Thu Vàng, Lệ Hồng.
TS Thái Kim Lan cùng Tấn Sơn, Minh Đức chia sẻ về âm nhạc Phạm Duy - Ảnh: T.T.D.
Âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy là một viên kim cương
Chương trình khép lại với những ca khúc phổ biến nhất và chứa đựng nhiều tư tưởng cũng như suy nghĩ của ông về thời cuộc, nhân sinh và hạnh phúc của con người.
NSND Kim Cương xuất hiện trên sân khấu và ôn lại những kỷ niệm với cố nhạc sĩ trong bộ phim Chiếc bóng bên đường (1973) mà bà đảm nhận vai nữ chính, còn nhạc sĩ Phạm Duy là người sáng tác ca khúc nhạc phim cùng tên.
O Sen Ngọc Mai là cái tên được chờ đợi nhất chương trình. Cô chọn hát Nước non ngàn dặm ra đi, Gọi em là đóa hoa sầu, Tóc mai sợ vắn sợi dài và bày tỏ bản thân luôn say mê mỗi khi được hát những nhạc phẩm của Phạm Duy.
Toàn thể nghệ sĩ hát bài Xuân ca kết thúc chương trình - Ảnh: T.T.D.
Sau cùng, chương trình khép lại bằng tiết mục Tuổi ngọc qua tiếng hát của bé Bào Ngư và Xuân ca do tất cả nghệ sĩ tham gia đồng diễn.
Nguồn: https://tuoitre.vn/